PHIÊN HỌP KHỞI ĐỘNG XÂY DỰNG KHUNG PHÁP LÝ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ THÚC ĐẨY DỮ LIỆU MỞ VIỆT NAM

0
1667
Want create site? With Free visual composer you can do it easy.

      Được sự nhất trí về chủ trương của Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng khung pháp lý, chính sách khuyến khích và thúc đẩy Dữ liệu mở Việt Nam”, ngày 17/10/2017, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông – 18 Nguyễn Du, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (Viện CNPM) đã tổ chức Phiên họp đầu tiên khởi động xây dựng khung pháp lý, chính sách khuyến khích và thúc đẩy dữ liệu mở Việt Nam.

      Mục đích của phiên họp nhằm: Động não xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng, sản phẩm cần đạt được và các nội dung công việc chính cần thực hiện để thực hiện nhiệm vụ nêu trên; Xác định danh sách các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia/phối hợp và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ và xác định kế hoạch chuyên môn trong những tháng tới, phân công thực hiện; Thảo luận, cập nhật về nội dung cáo cáo tổng quan của Viện CNPM.

      Tham dự phiên họp có các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông: Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Công nghệ Thông tin, Cục Tin học hóa; các đơn vị đến từ các Bộ, Ngành khác: Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tài nguyên và môi trường, Vụ Thư Viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…; một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở: Ông Lê Trung Nghĩa – Chủ tịch hội đồng tư vấn chuyên môn – Trung tâm nghiên cứu và phát triển quốc gia về công nghệ mở, Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện chính sách và phát triển truyền thông – Hội truyền thông số Việt Nam, Ông Nguyễn Việt Hải – Viện Khoa học và Công nghệ Vinasa, Ông Nguyễn Thế Hùng, Ông Trương Anh Tuấn – đồng Phó Chủ tịch Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam và các cán bộ phòng Nghiên cứu Kinh tế – Chính sách Viện CNPM.

      Tại phiên họp, các chuyên gia khẳng định sự xây dựng chính sách dữ liệu mở quốc gia là việc làm đúng hướng, việc này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện có hiệu quả, có tác động lớn đền hoạt động kinh tế, xã hội. Việc phổ biến dữ liệu sẽ thúc đẩy các nghiệp vụ khai thác dữ liệu, tạo động lực cho phát triển kinh tế nói chung và ngành phần mềm và nội dung số nói riêng.

      Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận thấy đây là một vấn đề gai góc, cần được nghiên cứu kỹ dưới mọi góc độ, nhất là dưới góc độ pháp luật. Hiện có nhiều văn bản pháp luật đan xen quản lý rất chặt chẽ về dữ liệu, việc ban hành một chính sách về Dữ liệu mở nếu không cụ thể và có định hướng rõ ràng sẽ dẫn tới một số xung đột với một số qui định hiện hành như Luật Công nghệ thông tin, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, các Thông tư hướng dẫn việc quản lý tài sản sinh ra từ các hoạt động khoa học công nghệ và nhiều văn bản dưới luật khác… Một vấn đề cần được xác định rõ ngay từ đầu và nên đưa vào bộ Luật CNTT là các khái niệm và nội hàm của Dữ liệu mở, nguyên tắc xác định dữ liệu mở để tránh xung các đột với các qui định về dữ liệu mật do các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh an toàn (Bộ Công an) ban hành. Một rào cản lớn trong việc công bố (mở) dữ liệu được đề cập tới trong phiên họp là lợi ích cục bộ (về kinh tế) của các tổ chức sở hữu dữ liệu, việc giữ độc quyền dữ liệu đem lại lợi thế kinh doanh khiến họ khó từ bỏ.

      Xoay quanh những rào cản, Ông Lê Trung Nghĩa nhấn mạnh: “Việc đề xuất chính sách về nguồn mở chắc chắn sẽ gây xung đột với các luật khác hiện hành và cần thiết phải có sự tham gia của Bộ Tư pháp”, cũng theo ông, vấn đề an ninh cần phải tiến hành trước khi ban hành luật về dữ liệu mở để khẳng định rằng dữ liệu mở sẽ không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, những bí mật riêng tư. Đồng quan điểm với chuyên gia Lê Trung Nghĩa, Ông Nguyễn Bảo Trung – Cục CNTT – Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng có khá nhiều tài liệu mật, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải tham mưu chính phủ để mở dữ liệu tới đâu và mở như thế nào.

      Về rào cản lợi ích cục bộ, các chuyên gia cho rằng mô hình kinh doanh mở hiện nay chưa được phổ biến rộng rãi. Bà Vũ Dương Thuý Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho rằng việc thực hiện một hoạt động có sự phổ biến dữ liệu không hề dễ dàng, cần có sự rà soát rất kỹ vì hệ thống văn bản hiện hành qui định rất chặt, đối với việc ban hành một chính sách về dữ liệu mở thì càng phải nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật hiện hành.
Với một số rào cản trước mắt được đưa ra, dựa trên những nghiên cứu, kinh nghiệm từ một số nước đã thành công trong việc sử dụng dữ liệu mở, các chuyên gia cũng đã đưa ra những cách thức và kế hoạch để có thể vượt qua được những rào cản trên đó chính là phải có một văn bản nêu rõ các khái niệm, phạm vi, hiện trạng, mục tiêu, cách thức sử dụng dữ liệu mở, trong đó có thể bao gồm cả khuyến nghị sửa đổi một số văn bản pháp lý liên quan để phù hợp với hiện trạng CNTT nói chung.

      Trên thực tế, Dữ liệu mở mang lại rất nhiều lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học thông qua sự thuận tiện hơn khi tiếp cận các thông tin hợp nhất từ nhiều kho dữ liệu khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục đến các thông tin liên quan đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Việc hệ thống hóa, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu công và bán công sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính sách và quản lý hành chính công, cũng như sự hợp tác giữa các tổ chức nhà nước.

      Vậy có chính sách nào khả thi để đưa dữ liệu mở ra phục vụ lợi ích quốc gia? Ông Nguyễn Việt Hải có gợi ý nên bắt đầu từ xây dựng các chính sách về chia sẻ dữ liệu từ các dự án thành phố thông minh, chính phủ điện tử. Nhu cầu khai thác chia sẻ dữ liệu trong thành phố thông minh là yếu tố cốt lõi, chính sách về dữ liệu mở có thể bắt đầu từ đây, đi song hành với việc xây dựng hạ tầng nền tảng dữ liệu của thành phố, của quốc gia.

      Cũng tại phiên họp, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở, khoa học mở, đã đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp cụ thể cho bản Báo cáo tổng quan của Viện về Dữ liệu mở. Ông Lê Trung Nghĩa cho rằng cần phải quan tâm dữ liệu mở trong lĩnh vực và Y tế và Giáo dục. Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hải – Viện Khoa học công nghệ VINASA lại cho rằng Khoa học và Giáo dục là hai vấn đề cần lưu tâm trước mắt vì hiện nay Smart city đang phát triển rất mạnh mẽ và sẽ thúc đẩy cho dữ liệu mở phát triển rộng rãi.
Các đơn vị tham gia đều nhận thấy tầm quan trọng của việc cần có chính sách về dữ liệu mở, song lại cần sự hợp tác của các Bộ, ngành khác như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế… Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, đồng thời báo cáo Thủ tướng để Chính phủ thấy được tầm quan trọng của chính sách về Dữ liệu mở. Ông Đỗ Công Anh – Thư ký thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng đây là việc cần thiết cần phải có sự đóng góp ý kiến từ các Vụ chức năng để có thể trình xin ý kiến Thủ tướng. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý dữ liệu nhà nước, Ông Đỗ Công Anh chỉ ra rằng tất yếu dữ liệu mở nên xuất phát từ cơ quan Nhà nước, vì thế cần phải nghiên cứu kỹ về quản trị dữ liệu (data governant) và quy định rõ ai là người sở hữu dữ liệu, ai lưu trữ dữ liệu và ai có quyền truy cập, truy cập bằng cách nào và bằng hình thức nào.

      Kết luận cuộc họp, ông Trần Minh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện CNPM đánh giá cao ý kiến trí tuệ tập thể chuyên gia, đề nghị các chuyên gia tập trung góp ý Báo cáo nghiên cứu tổng quan của Viện về Dữ liệu mở, sẽ hoàn thiện thành một báo cáo đầy đủ, trong đó phân tích rõ hiện trạng dữ liệu mở tại Việt Nam, đề xuất định hướng cho việc xây dựng chính sách quốc gia về Dữ liệu mở cho Việt Nam. Sản phẩm này là sản phẩm trí tuệ của tập thể chuyên gia và Viện CNPM. Ông cũng đề nghị cần mở rộng, mời thêm các chuyên gia từ các lĩnh vực Tư pháp, Y tế, Khoa học công nghệ, Công An để các nghiên cứu, đánh giá phải được toàn diện. Phương pháp nghiên cứu cần có nhiều ý kiến phản biện.
Phiên họp cũng đã thống nhất phân công các nội dung nghiên cứu cụ thể trong những tháng tới cho các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này.

Các chuyên gia và khách mời tham dự phiên họp

Thiên Ngân

Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.